Bảo quản thuốc vào mùa hè để tránh biến chất
Trong những ngày khí hậu nóng nực, nhiệt độ ở nơi bảo quản thuốc có thể tăng lên cao hơn 30oC, làm cho thuốc bị thay đổi lý tính, hóa tính, làm giảm tác dụng thuốc, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng cho người sử dụng thuốc.
Các hãng bào chế dược phẩm đề nghị người sử dụng thuốc cần bảo quản thuốc ở nhiệt độ từ 20oC – 25oC. Trong quá trình vận chuyển với thời gian ngắn thì thuốc có thể cất giữ ở nhiệt độ 30oC. Điều này nhằm tránh cho thuốc bị hư hại, biến chất.
Đôi khi nhìn vào màu sắc viên thuốc hoặc thuốc nước thấy không có gì thay đổi, bệnh nhân nghĩ rằng thuốc vẫn còn tốt nhưng thật sự chúng đã ít nhiều biến chất nếu được bảo quản ở nhiệt độ không thích hợp.
Khi bị biến chất, các loại thuốc kháng sinh có thể gây tổn hại cho dạ dày và thận, aspirin thì gây kích ứng dạ dày nghiêm trọng hơn, kem thoa da có chứa hydrocortisone trở nên vô dụng. Ngoài ra, các loại que thử như thử đường huyết, thử thai sẽ cho kết quả không chính xác, nhất là khí hậu nóng ẩm.
Các loại thuốc điều trị các bệnh về tuyến giáp trạng, các thuốc ngừa thai và tất cả các loại thuốc có chứa hoóc-môn rất dễ bị biến chất khi nhiệt độ thay đổi. Tất cả những thuốc này có thành phần là protein. Một khi gặp nhiệt độ cao, các protein sẽ bị biến tính.
Các loại dược phẩm cần phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” là các chế phẩm insulin dành cho bệnh nhân đái tháo đường, các thuốc trị động kinh, các thuốc chống đông máu... Bởi vì những thay đổi nhỏ về hàm lượng của những loại thuốc này sẽ gây ảnh hưởng lớn cho sức khỏe. Để bảo đảm chất lượng của thuốc, cần lưu ý những điểm sau:
- Bất cứ loại thuốc nào, nơi cất thuốc lý tưởng nhất là nơi khô mát (trừ những thuốc bắt buộc phải để trong tủ lạnh theo chỉ dẫn của nhà sản xuất).
- Không để thuốc ở nơi ẩm ướt trong nhà tắm (vì nghĩ rằng nơi đây mát hơn). Sự ẩm ướt cũng làm thuốc biến chất một cách mau chóng. Không nên để thuốc trong các ngăn kéo ở nhà bếp. Tốt nhất mỗi nhà nên thiết kế một tủ thuốc gia đình đặt ở nơi khô mát và có khóa nhằm tránh sự nghịch phá của trẻ nhỏ.
- Không nên lấy thuốc ra khỏi bao bì nguyên thủy vì càng làm cho thuốc dễ tiếp xúc với nhiệt độ bất lợi bên ngoài. Riêng những người cao tuổi cần soạn thuốc dùng cho mỗi ngày thì thuốc được lấy ra khỏi bao bì nguyên thủy để chuẩn bị cho mỗi ngày cũng cần phải bảo quản ở nơi khô mát.
- Các chế phẩm insulin chưa được khui phải được để trong tủ lạnh (nhưng không phải là ngăn đông đá). Sau khi khui có thể để ở phòng 20oC giúp cho việc chích thuốc được thuận tiện hơn.
- Không để thuốc trong cốp xe hơi mà để hẳn ở trong xe, khi rời khỏi xe thì nên mang thuốc theo chứ không để lại trong xe.
- Trong trường hợp khẩn cấp phải dùng viết chích adrenaline (chẳng hạn như EpiPen) hoặc một liều insulin khi phải lưu thông trên đường thì nên hỏi nhà thuốc cung cấp cho những túi chứa thuốc có chức năng giữ lạnh.
Quy tắc khi bảo quản thuốc
Trong đời sống hằng ngày, người sử dụng thuốc ít quan tâm đến việc bảo quản thuốc như thế nào để có thể phát huy tác dụng tối đa. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng (Bệnh viện Bạch Mai) khuyên người sử dụng thuốc cần lưu ý 5 điều cơ bản trong cách bảo quản thuốc, báo điện tử Quân đội nhân dân đưa tin.
Thứ nhất, không để dược phẩm trong nhà tắm vì hơi nước từ vòi nước nóng sẽ hủy hoại thuốc hoặc làm giảm tác dụng của thuốc. Nên để thuốc ở phòng khô ráo, nhiệt độ trong khoảng từ 15 đến 30 độ C và tránh xa ánh sáng chiếu trực tiếp.
Thứ hai, không để ngăn đá đối với dược phẩm kháng sinh dạng lỏng.
Thứ ba, để thuốc đúng lọ vì người sử dụng có thể uống nhầm thuốc khi đựng nhiều loại trong cùng một lọ.
Thứ tư, khi được kê một loại kháng sinh, cần tuân thủ liều lượng và uống cho hết thời gian điều trị. Không nên lưu trữ thuốc cho lần bệnh sau vì nó có thể đã hết hạn sử dụng.
Thứ năm, khi đi xa phải mang theo thuốc thì để trong hành lý xách tay, vì nếu để chung với hành lý ký gửi sẽ khiến thuốc bị giảm hoặc mất tác dụng do nhiệt độ cao trong khoang hành lý.